Truy tặng Vệ_Tử_Phu

Một năm sau, Hán Vũ Đế điều tra ra những chuyện yểm bùa hầu hết là do Giang Sung bịa đặt, nên dù Giang Sung đã chết vẫn bắt giết cả nhà Giang Sung. Hán Vũ Đế rất ân hận cho cái chết của Thái tử Lưu Cứ, truy tặng Thái tử thụy hiệu Lệ Thái tử (戾太子), cho xây Tư Tử cung (思子宮) và Quy Lai Vọng Tư Đài (歸來望思台) để tưởng nhớ[73].

Lại thêm 18 năm sau nữa, cháu nội của Lệ Thái tử, cũng là cháu cố của Vệ hoàng hậu là Lưu Bệnh Dĩ được Hoắc Quang chỉ định làm người kế vị cho Hán Chiêu Đế. Lưu Bệnh Dĩ lên ngôi, đổi tên thành Lưu Tuân, sử gọi Hán Tuyên Đế.

Sau khi lên ngôi, Hán Tuyên Đế vì muốn đề cao xuất thân, quyết định truy tặng cho cha và ông nội, cũng khôi phục lại danh dự cho gia tộc họ Vệ và chính thức truy tặng cho Vệ hậu. Hoàng đế chiếu lệnh truy phong thụy hiệu cho Vệ hậu một chữ (思), gọi là Vệ Tư hậu (衛思后) hay Hiếu Vũ Tư hoàng hậu (孝武思皇后). Nơi Đồng Bách đình chôn cất Vệ hậu được Tuyên Đế án theo mộ của Hoàng hậu mà xây lại, gọi là Tư hậu viên (思后園)[74]. Hán Tuyên Đế thiết trí phòng vệ ở viên tẩm, mỗi ngày dâng đồ ăn hiến tế, bốn mùa giao tế ở viên điện, đều án theo hiến tế Hoàng hậu mà làm[75]. Cảm thấy còn chưa thỏa mãn, Hán Tuyên Đế lấy lý do Vệ Tư hậu sinh thời tinh thông âm luật, giỏi ca vũ, nên Hoàng đế lại thiết trí cho 1.000 người đàn ca trong viên tẩm của bà để tưởng niệm, do đó còn gọi là Thiên hương (千鄉)[76].

Phần mộ ấy của Vệ Tư hậu đến thời nhà Đường vẫn còn. Sách Trường An chí (长安志) có đề cập đến "Hán Tư viên" ở phường hướng Tây Bắc phường Kim Thành[77]. Phần mộ hiện tại đã không còn di chỉ, ở vị trí hiện nay là vùng phụ cận của Công viên Lao Động thuộc thành phố Tây An[78].